Trà đá là loại đồ uống phổ biến và được nhiều người yêu thích ở Việt Nam. Thậm chí, chỉ cần bước ra đường là bạn có thể tìm được trà đá ở bất cứ đâu: từ hàng nước bên lề cho đến quán cà phê sang trọng. Sở dĩ, trà đá Việt Nam có vị trí như vậy là vì chúng vừa bình dân, gần gũi, vừa có vị thơm ngon, tinh tế.
Tuy nhiên, chúng ta thường chỉ dùng loại đồ uống này theo thói quen, sở thích chứ hiếm khi thật sự tìm hiểu về chúng. Để có thể cảm nhận được hương trà lạnh sâu sắc hơn, bạn cần phải đắm mình vào trong lịch sử khai sinh và văn hóa thưởng trà.
Trong bài viết sau, Hiên Cúc Vàng đã tổng hợp 9 điều về trà đá đầy đủ, chi tiết mà không phải ai cũng biết.
Nguồn gốc văn hóa trà đá vỉa hè tại Việt Nam
Nếu đã từng dạo bước trên những vỉa hè, dõi mắt tìm kiếm những quán cóc lề đường, ắt hẳn, bạn sẽ rất quen thuộc với văn hóa trà đá. Từ Hà Nội trải đến Sài Gòn, từ đường lớn trải vào con hẻm, nơi nào cũng sở hữu cho mình ít nhất một quán nước có bán trà đá.
Trà đá còn xuất hiện trong những quán ăn lề đường hoặc nhà hàng sang trọng, dùng làm nước tráng miệng miễn phí cho khách hàng khi xong món chính.
Dù vậy, không ai thật sự biết văn hóa trà đá bắt nguồn từ năm nào. Một trong những ý kiến được chấp nhận nhiều nhất chính là loại trà này phổ biến từ những năm 90, cụ thể là tại miền Nam Việt Nam. Khi tủ lạnh, tủ đá du nhập rộng rãi vào đất nước, người miền Nam đã đập vụn đá để cho vào ly trà uống giải khát mùa hè.
Sau đó, văn hóa này lan dần ra miền Bắc nhờ tính tiện lợi, bình dân và thích hợp với thời tiết của nước ta.
Lợi ích của việc uống trà đá mỗi ngày
Nhiều người thường tưởng rằng trà đá chỉ để giải khát, còn trà nóng mới thật sự tốt cho cơ thể. Thật ra, trà đá đem lại rất nhiều lợi ích cho người uống như những loại trà bình thường khác.
Chẳng hạn, trà đá thường được pha từ trà xanh có chứa EGCG. Đây là hợp chất chủ chốt trong trà xanh và hầu hết lợi ích của trà đá đều đến từ chất này. Chúng có khả năng chống oxy hóa cực mạnh, giúp phòng chống ung thư.
Đồng thời, EGCG còn giúp giảm viêm sưng, ngăn ngừa các bệnh về tim mạch, não bộ, hỗ trợ giảm cân. Hiên Cúc Vàng đã có bài viết đầy đủ về nguồn gốc, lợi ích và cách dùng trà xanh, bạn có thể đọc để hiểu hơn.
Bên cạnh đó, lá trà cũng là thực phẩm tự nhiên chứa caffeine chỉ sau cà phê. Uống một ly trà mát lạnh chắc chắn sẽ giúp bạn tỉnh táo và giảm căng thẳng hơn sau khi làm việc, học tập.
Trà đá vỉa hè – Nguy hiểm khôn lường
Từ trước đến nay, trà đá vỉa hè vẫn luôn là văn hóa bình dân của người Việt Nam. Người ta sẵn sàng sà vào ngồi uống ly trà đá 1.000 đồng, 2.000 đồng cho đã cơn khát rồi đứng lên đi tiếp. Không chỉ thành phố mà ngay cả ở vùng quê, nông thôn, trà đá cũng chiếm vị trí quan trọng trong cái thú lân la của người Việt.
Tuy nhiên, không phải cái gì được người ta làm nhiều cũng đúng. Đặc biệt là những ly trà đá vỉa hè có khả năng tiềm tàng nhiều bệnh tật nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
Những hiểm họa này thường đến từ nguyên liệu, cách pha trà và dụng cụ đựng nước.
- Đá lạnh:
Không ít người cho rằng họ nhìn thấy chủ quán pha trà đá rất sạch sẽ nên ly trà đá chắc chắn không có hại gì. Điều này hoàn toàn sai lầm vì họ đã bỏ quên một nguyên liệu vô cùng quan trọng khác: đá lạnh.
Hầu hết các chủ quán nước đều mua đá làm sẵn tại các cơ sở sản xuất. Thực tế cho thấy, nguồn nước để làm ra sản phẩm tại đây lại không phải là nước sạch và chỉ thích hợp ướp thực phẩm. Việc uống trà đá vỉa hè mỗi ngày với đá kém vệ sinh sẽ đẩy bạn đến nguy cơ tiêu chảy, dịch tả, ngộ độc.
- Khuẩn E.coli và hóa chất:
Trong hội thảo Khỏe Và An Toàn (2013) do Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam tổ chức, phó giáo sư Hồ Bá Do đã công bố trà đá vỉa hè được phát hiện chứa khuẩn E.coli. Đây là loại vi khuẩn thường gặp trong phân, có thể gây ngộ độc cấp tính.
Chưa kể, nhiều mẫu trà đá còn bị phát hiện chứa cả kim loại nặng như chì, cadimi (thường có trong pin) và thủy ngân vượt mức giới hạn cho phép.
- Dụng cụ đựng nước:
Dù ly tách được người bán rửa qua sau khi khách uống, nhưng không ai đảm bảo được rằng ly đã sạch hay chưa. Nhiều chủ quán vì tiết kiệm chi phí chỉ tráng sơ qua hoặc không sử dụng xà phòng.
Việc uống chung ly nước với người lạ không những mất vệ sinh mà còn làm lây nhiễm nhiều bệnh phức tạp khác.
Những ai không nên uống trà đá?
Trà đá là loại đồ uống đại trà và tốt cho sức khỏe, nhưng không phải vì vậy mà ai cũng có thể uống được trà đá. Điển hình, những người mắc bệnh sỏi thận, suy thận uống loại trà này sẽ khiến cơ thể hấp thụ oxalic acid, khiến sỏi càng tích tụ to hơn.
Ngoài ra còn có: người bệnh dạ dày, trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, phụ nữ mang thai và người cao tuổi cũng nên hạn chế trà đá. Nhất là trà đá vỉa hè với nhiều tác hại khôn lường.
Nếu bạn muốn uống trà đá vỉa hè thì có thể chọn những nơi đáng tin tưởng, chủ quán trung thực, sử dụng đá sạch.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tự pha trà đá tại nhà theo công thức ở phần sau đây.
Cách làm trà đá đơn giản tại nhà
Để tránh các tác hại không cần có của trà đá vỉa hè, bạn có thể tự pha ngay cho mình một ly trà mát lạnh tại nhà. Hiên Cúc Vàng sẽ cung cấp cho bạn công thức làm trà đá đơn giản nhất, ai cũng làm được.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 3-4 túi trà đen (hoặc trà xanh khô, trà xanh tươi,… tùy ý)
- Đá viên sạch
- Nước
- Đường (tùy chọn)
Cách pha trà đá
- Bước 1: Đun sôi 480ml nước trong nồi nhỏ hoặc ấm rồi tắt bếp.
- Bước 2: Sau đó, bạn cho 3-4 túi trà đen vào ngâm trong 5 phút.
- Bước 3: Rót trà vào bình đựng và chờ nguội. Nếu muốn uống loãng, bạn có thể thêm 480ml nước vào.
- Bước 4: Đặt bình trà vào tủ lạnh.
Cuối cùng, khi muốn uống trà thì bạn chỉ cần lấy bình rót vào ly có sẵn đá viên thôi. Trà cũng có thể thêm chanh hoặc đường tùy ý.
Bạn muốn nhiều công thức trà đá hơn nữa để thỏa mãn cơn khát mùa hè nóng nực? Hiên Cúc Vàng mời bạn xem thêm bài viết:
>>> Top công thức trà đá “siêu giải khát” cho ngày hè <<<
Các loại ly trà thường dùng
Nếu là người thích uống trà, có lẽ bạn sẽ biết rằng trà đá đựng trong loại ly khác nhau thì sẽ mang lại cảm nhận, hương vị khác nhau. Vì vậy, việc chọn ly để thưởng trà là điều rất quan trọng. Những loại ly trà đá thường được dùng bao gồm:
- Ly thủy tinh cổ thấp, đáy tròn: Là loại ly phổ biến nhất dùng đựng trà đá.
- Ly thủy tinh kiểu dáng cao, đáy tròn nhỏ: Đem lại cảm giác hoài cổ cho người uống.
- Ly sứ: Tạo sự sang trọng, mới lạ.
- Âu trà đá: Bình dân và gắn liền với trà đá từ trước đến nay.
Những lý do nên và không nên uống trà đá vỉa hè
Từ lâu, trà đá vỉa hè đã là thức uống dân dã rất được ưa chuộng ở Việt Nam. Vì vậy mà việc thay đổi thói quen sinh hoạt, chuyển sang trà đá tự làm sẽ rất khó khăn với nhiều người.
Chưa kể, đa phần họ chỉ siêng tự pha trà một thời gian đầu, sau đó sẽ lại quay về các hàng quán lề đường “cho nhanh”.
Vậy làm thế nào để vừa có thể cân bằng sinh hoạt, vừa đảm bảo sức khỏe bản thân? Hiên Cúc Vàng sẽ giúp bạn chỉ ra những lý do nên và không nên uống trà đá vỉa hè sau đây:
- Nên uống trà đá vỉa hè khi: Đôi khi thời gian làm việc, sinh hoạt gấp rút khiến bạn không kịp pha cho mình cho bình trà cầm tay. Lúc này, nếu cần cảm giác tỉnh táo, mát lạnh thì bạn có thể ghé vào một quán tin tưởng để gọi trà đá. Tuy nhiên, việc này không nên quá mức 1 lần/tháng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
- Nên uống trà đá tự pha ở nhà khi: Mỗi ngày, chỉ cần dành ra 5-10 phút là bạn đã hoàn toàn có thể tự pha cho mình một bình trà nhỏ tại nhà. Nếu lỡ pha dư, phần trà đá này có thể được mang chia sẻ cho gia đình, đồng nghiệp để mọi người cùng tận hưởng cảm giác sảng khoái. Chưa kể, những buổi chuyện trò, bàn luận bên bàn trà đá tự pha sẽ càng thêm ý nghĩa và gắn kết hơn so với ngồi ở vỉa hè.
Hiên Cúc Vàng có lời khuyên, bạn nên chủ động pha trà đá tại nhà càng nhiều càng tốt. Bởi lẽ, trà tự làm lúc nào cũng vừa sạch sẽ, đúng ý hơn, vừa không bị pha loãng 10% trà, 90% nước lã như ngoài hàng.
Đây cũng là một cách sống xanh và giảm thiểu rác nhựa từ những ly trà ven đường, đóng góp cho thành phố văn minh hơn.
Lời khuyên để uống trà đá đúng cách
Bên cạnh đó, bạn cần chú ý uống trà đá đúng cách để vừa không gây nguy hại, vừa đem đến nhiều lợi ích cho cơ thể. Có lẽ ai cũng từng nghe qua lời khuyên không bao giờ uống trà để qua đêm.
Thật ra, đây là vì sau khi pha một thời gian, ly trà đá đã bị oxy hóa và thu hút vi khuẩn vào. Lúc này, màu trà sẫm lại, đậm hơn và mất vị thơm vốn có.
Ngoài ra, người uống cũng cần tránh uống trà lúc đói và uống liền ngay sau bữa ăn. Bởi lẽ chúng sẽ gây ra nhiều bệnh liên quan đến dạ dày hoặc thiếu máu.
Thời gian phù hợp nhất để uống trà đá là cách một giờ trước hoặc sau bữa ăn.
Một góc nhìn về văn hóa trà đá vỉa hè tại Việt Nam
Ở Việt Nam, gần như đâu đâu cũng có thể bắt gặp một quán trà đá vỉa hè dù là sáng sớm hay đêm khuya. Đôi khi chỉ cần đi giữa đường, thấy những bình trà, những cái ghế đỏ, những con người tề tựu cùng nhau thôi đã làm ta muốn ghé vào rồi.
Nhất là vào mùa hè ở nước ta thường mang không khí oi bức, nóng nực. Khi đó, một hớp trà đá vừa mang đến sẽ làm tan ngay cảm giác khó chịu đang dâng lên trong người.
Văn hóa trà đá Việt Nam ở nước ta giản dị, quen thuộc và là thói quen khó bỏ. Tuy nhiên, những năm gần đây xã hội đã dần trở nên hiện đại, tiến bộ. Không ít người bắt đầu quan tâm đến sức khỏe của bản thân và người thân hơn, đặc biệt là trong vấn đề vệ sinh ăn uống. Vì thế, họ có xu hướng chuyển sang tự pha trà ở nhà, sau đó mới mang cho người thân, bạn bè cùng thưởng thức.
Trà tự làm vừa dễ pha, thơm ngon, vừa giúp gia chủ lấy lòng những người xung quanh nhờ tay nghề của mình. Những “hội nghị bàn trà” có thể được diễn ra ở bất cứ đâu, chỉ cần người ta có trà và có nhau, chứ không phải chỉ ngoài lề đường thì mới uống trà được.
Mặt khác, uống trà trong nhà hoặc văn phòng có thể giảm được khả năng hít bụi vì bầu không khí ô nhiễm hiện nay.
Hiên Cúc Vàng mong rằng qua bài viết trên, người đọc có thể hiểu thêm về văn hóa trà đá tại Việt Nam. Đồng thời, bạn cũng học được cách pha trà đá để chuẩn bị cho mình những bình trà lạnh và thơm lành trong tương lai.
Nếu có câu chuyện nào muốn chia sẻ, hãy đăng ký tham gia cộng đồng của chúng tôi ngay và để lại câu chuyện của mình ở mục đánh giá bài viết trà đá!
Tham khảo thêm các bài viết thú vị khác về trà cùng Hiên Cúc Vàng:
Trà bưởi: Thức uống trị ho cảm từ thiên nhiên
Trà bí đao: Hương vị tươi mát mùa nóng bức
Trà bạc hà: “Thần dược” tự nhiên cho ngày thư giãn
Các nguồn tham khảo: