Nhắc đến trà đường, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những ngày còn nhỏ, lúc bánh kẹo ngọt là món xa xỉ. Vì thế, mỗi lần muốn thưởng thức một thức uống vừa ngọt ngào, vừa mát lạnh thì ta đã nghĩ ngay đến trà đường.
Về sau này, trà đường vẫn tiếp tục len lỏi vào đời sống người dân Việt. Với nhiều đứa trẻ, một cốc trà đường trong giờ ra chơi vừa giúp giải khát, vừa nạp lại năng lượng!
Do đó mà hiểu thêm về phân loại, lợi ích cũng như tác hại của trà đường sẽ giúp bạn có cái nhìn bao quát hơn về loại trà này. Từ đó, bạn mới uống trà đường đúng cách và có lợi cho sức khỏe được.
Trong bài viết sau, chúng tôi sẽ cùng bạn thực hiện điều đó!
Trà đường là gì: Bạn có đang hiểu sai về cốc trà đã theo ta từ thuở ấu thơ?
Trong ký ức của nhiều người, trà đường tuổi thơ là một cốc trà đá có vị ngọt lịm.
Vì thế, họ cho rằng trà đường là thức trà có màu vàng nhạt, pha với đường cát trắng và được uống cùng đá lạnh. Thật ra, định nghĩa này cũng không hoàn toàn chính xác!
Mà trà đường nói đơn giản chỉ là một loại trà được pha với đường. Tức là, bạn có thể kết hợp nguyên liệu trà tùy ý cùng với đường.
Chẳng hạn, một tách hồng trà đường đen cũng có thể gọi là trà đường.
Bên cạnh đó, trà đường cũng không nhất thiết phải uống với đá lạnh. Thực chất, bạn còn có thể uống trà đường dưới dạng ấm nóng trong những ngày se lạnh.
Ta có thể nói rằng, trà đường là một trong những thức uống phổ biến nhất trong cuộc sống của người dân Việt Nam. Từ vỉa hè, quán ăn nhỏ cho đến căng tin trong trường học, ở đâu bạn cũng có thể dễ dàng tìm thấy trà đường. Bởi lẽ, loại trà này vừa có cách pha đơn giản, lại vừa dễ uống.
Chúng không những phù hợp cho trẻ em thích vị ngọt. Mà trà đường còn phù hợp để giải khát nhanh cho người lớn trong những buổi trưa nóng nực nữa!
Vậy trà đường có bao nhiêu loại?
Khi mua những cốc trà đường ở ngoài hàng quán, bạn thường nhận được những cốc trà cám pha đường cát trắng. Nhiều nhất có lẽ phải kể đến trà xanh, trà sâm dứa,…
Thi thoảng, có tiệm còn sử dụng trà ướp hương để tăng thêm hương thơm ngào ngạt. Điều này đã khiến nhiều người thắc mắc trà đường có bao nhiêu loại.
Thật ra, trà đường không được chia ra từng loại cụ thể. Mà do cách pha của chúng rất đơn giản, nhanh gọn nên trà đường sẽ có tên của những nguyên liệu làm nên chúng. Chẳng hạn như trà Atiso đường đen, hồng trà đường đỏ, trà xanh đường phèn,…
Trà đường có tác dụng gì? Còn tùy vào nguyên liệu mà bạn sử dụng!
Do trà đường có thể là bất kỳ loại trà nào pha với đường, nên chúng cũng không có công dụng nhất định. Mà tất cả còn phải tùy vào nguyên liệu mà người pha trà sử dụng.
Tuy nhiên, sau đây, Hiên Cúc Vàng cũng liệt kê một số công dụng thường gặp của trà đường. Qua đó, chúng tôi mong rằng bạn có thể hiểu thêm về thức trà này.
Trà đường pha bằng hồng trà: Kích thích não bộ và giúp tỉnh táo, tập trung
Hồng trà là một nguyên liệu có chứa hợp chất caffeine. Thực chất, đây là hợp chất hỗ trợ bạn chống lại cảm giác buồn ngủ và tăng sự tập trung.
Vì thế, khi bạn uống hồng trà đường, não bộ của bạn sẽ được kích thích hoạt động và tỉnh táo hơn so với bình thường.
Để tác dụng này đạt hiệu quả cao nhất, bạn nên uống hồng trà đường vào buổi sáng hoặc buổi trưa. Bởi lẽ, đây là thời gian mà cơ thể bạn cần tỉnh táo để tập trung năng lượng cho một ngày làm việc nhất!
Trà Ô Long đường: Giúp giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể
Một trong những tách trà đường mang đến cho bạn nhiều công dụng nhất chính là trà Ô Long.
Trong số công dụng này, nổi bật nhất có lẽ là công dụng trà Ô Long làm giảm các cholesterol xấu. Một tách trà đường pha từ trà Ô Long sẽ giúp bạn tránh được nhiều bệnh nguy hiểm liên quan đến tim mạch. Điều này là nhờ hợp chất EGCG trong lá trà xanh làm trà Ô Long.
Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý thêm là không phải tách trà đường nào cũng mang đến cho bạn số lợi ích này.
Trong trường hợp bạn mua trà đường ở ngoài hàng quán, bạn sẽ không thể nào đảm bảo được chất lượng nước trà cũng như đường được sử dụng.
Chưa kể, những viên đá lạnh bẩn trong trà đá lề đường cũng mang đến cho bạn nhiều loại bệnh khác. Điều này đã từng được đề cập cụ thể trong bài viết về trà đá.
Tốt nhất, bạn nên pha trà đường tại nhà để vừa đảm bảo chất lượng nguyên liệu, vừa kiểm soát được lượng đường trong trà.
Có một mẹo là nếu bạn pha trà đường nâu, trà đường đen hoặc trà đường đỏ thì sẽ tốt hơn so với trà đường thông thường.
Uống trà đường mỗi ngày có tốt không? Có, nếu bạn làm theo cách uống sau đây.
Sau khi tham khảo phần trên, có lẽ bạn sẽ muốn biết nên làm thế nào để nhận được số công dụng này. Thật ra, việc này hoàn toàn không khó nếu bạn biết cách uống trà đường đúng cách.
Cụ thể, mỗi ngày bạn không nên uống quá một tách trà đường với 5 gram trà mạn và 10 gram đường. Điều này là do nếu uống quá nhiều trà mạn trong ngày, cơ thể bạn sẽ bị dư hợp chất caffeine làm thao thức, mất ngủ.
Còn đối với phần đường, thì một ngày mỗi người không nên dùng quá 25 gram đường (nữ giới) và 35 gram đường (nam giới).
Trong khi đó, khẩu phần ăn uống của bạn trong một ngày đã chiếm một lượng đường nhất định trong giới hạn này.
Bên cạnh đó, bạn chỉ nên uống trà đường vào ba buổi sáng, trưa và chiều và tránh uống loại trà này vào buổi tối.
Bởi vì trà mạn sẽ gây mất ngủ, còn đường lại nạp vào bạn một nguồn năng lượng không nhỏ.
Nguồn năng lượng này không những chuyển hóa thành chất béo có hại, mà còn làm giảm chất lượng giấc ngủ của bạn! Đây cũng là câu trả lời cho câu hỏi uống trà đường có mập không.
Bạn không nên uống trà đường nếu…
Trà đường là một thức uống quen thuộc và phổ biến, nhưng không vì vậy mà chúng an toàn đối với tất cả mọi người. Đặc biệt là nếu bạn nằm trong số những đối tượng sau:
Người bệnh tiểu đường không được uống trà đường
Đã là bệnh nhân tiểu đường, thì bạn không nên ăn uống quá nhiều thực phẩm có chứa đường. Trong đó phải kể đến tách trà đường ngon ngọt, mát lành.
Bởi lẽ, tách trà này sẽ làm đường huyết của bạn tăng rất nhanh và gây ra nhiều nguy hiểm cho cơ thể.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bạn nên bỏ hẳn những loại trà có vị ngọt. Mà bạn có thể sử dụng một loại trà khác để thay thế trà đường, đó chính là trà cỏ ngọt.
Với nguyên liệu này, người bệnh tiểu đường có thể được thưởng thức một lượng trà có vị ngọt nhất định.
Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú có nên uống trà đường không? Câu trả lời là không!
Khi mang thai dẫn đến thay đổi hormone, nhiều mẹ bầu sẽ thèm đồ ngọt. Lúc này, không ít người muốn uống một tách trà đường đơn giản, thơm ngọt. Nhưng đây không phải một điều nên làm!
Bởi lẽ, trà đường là thức uống được pha từ trà và đường. Trong đó, trà là một chất kích thích có nguy cơ gây dị tật cho bé nếu pha quá đặc. Còn đường trong trà lại khiến mẹ bầu bị tăng đường huyết rất nhanh.
Người bệnh viêm loét dạ dày: Hãy tránh xa những tách trà đường
Trong danh sách thức ăn cần kiêng cử của những bệnh nhân viêm loét dạ dày, điều này cũng được đề cập tới.
Bởi lẽ, trà là thức uống có chứa caffeine. Đây là hợp chất có khả năng làm tăng tần suất co thắt hệ tiêu hóa. Từ đó, những cơn đau dạ dày của bạn sẽ xuất hiện liên tục hơn.
Trà đường là thức uống ngon ngọt, thơm hương lá trà nên rất dễ uống. Chưa kể, chúng cũng có giá nguyên liệu khá thấp và phù hợp với túi tiền của đa số người tiêu dùng.
Do đó mà trà đường đã gắn bó với rất nhiều người từ nhỏ đến khi lớn lên. Càng tìm hiểu, bạn sẽ càng tìm thấy nhiều điều thú vị về thức trà này.
Vậy là 5 điều trên đã mang đến cho bạn những kiến thức cơ bản nhất về trà đường. Nếu bạn vẫn còn những câu hỏi về trà đường thì hãy để lại bình luận ngay bên dưới.
Bởi lẽ, cộng đồng người yêu trà sẽ giúp bạn giải đáp phần thắc mắc này trong thời gian sớm nhất. Chúc bạn pha được những cốc trà đường ngọt ngào và mát lạnh như ý muốn của mình!