Từ những hạt gạo nâu nhỏ bé, đến ly trà gạo lứt bổ dưỡng

Thật ra, trà gạo lứt có thể gây phản tác dụng khi uống sai cách. Bài viết sau sẽ giúp bạn tìm hiểu về chúng thay vì tin vào người bán hàng.

Hiên Cúc Vàng

17.01.2021

Những năm gần đây, trà gạo lứt nổi lên như một thức uống giảm cân bổ dưỡng dùng kèm với cơm gạo lứt.

Tuy nhiên, các thông tin sai lệch và ý kiến trái chiều cũng dần dần xuất hiện. Điều này khiến rất nhiều người uống trà hoang mang, không biết công dụng nào là thật, công dụng nào chỉ là sự thổi phồng cố ý.

Thật ra, trà gạo lứt mang lại rất nhiều công dụng cho sức khỏe khi bạn hiểu và uống trà đúng cách. Trong bài viết sau, Hiên Cúc Vàng chọn lọc và cung cấp thông tin về trà gạo lứt cho bạn một cách chi tiết và đầy đủ nhất.

Gạo lứt có mấy loại? Loại nào thường dùng làm trà?

Gạo lứt là loại gạo chỉ bỏ lớp vỏ trấu bên ngoài, và giữ lớp vỏ cám bên trong. Nhờ vậy, chúng giữ được rất nhiều dinh dưỡng và có thể chế biến thành nhiều món ngon dùng trong bữa chính, giải khát hoặc ăn vặt.

Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm gạo lứt trên thị trường đều chỉ ghi tên sản phẩm là “gạo lứt”, “gạo nâu” hoặc “gạo giảm cân”. Nếu không tìm hiểu sâu về gạo lứt, có thể bạn không biết rằng gạo lứt cũng có rất nhiều loại như:

  • Gạo lứt đen: Nhờ có lượng đường thấp nhưng vẫn chứa nhiều chất xơ và nhiều chất dinh dưỡng, gạo lứt đen được xem là một loại gạo hiếm.
  • Gạo lứt tẻ: Ít ai biết rằng gạo lứt tẻ là loại gạo lứt phổ biến nhất trên thị trường hiện nay. Bởi lẽ, khi bán gạo lứt tẻ nấu cơm, người ta thường gọi tắt chúng là “gạo lứt”. Đây chính là loại hạt nguyên cám của gạo trắng thường trong bữa cơm của người Việt. Chúng còn được dùng để nấu món trà gạo lứt thơm ngon, bổ dưỡng.
  • Gạo lứt nếp: Nếu bạn đã từng uống thử rượu nếp Cái Hoa Vàng danh tiếng của đồng bằng Bắc Bộ, thì gạo lứt nếp chính là nguyên liệu chính để tạo nên loại rượu đó. Hiện nay, trên thị trường, gạo lứt nếp được chia ra rất nhiều loại phong phú như nếp lứt ngỗng, nếp lứt than, nếp lứt hương,…
cách dùng trà gạo lứt
Thật ra, mỗi một loại gạo lứt đều có công dụng khác nhau

Ngoài ra, chúng tôi cũng cung cấp thông tin thêm rằng gạo huyết rồng (còn được gọi tắt là gạo đỏ) không phải là gạo lứt. Đây là loại gạo có màu đỏ đẹp mắt và giá trị dinh dưỡng cao.

Chúng thường dùng để nấu cơm, cháo, và nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng khác. Tuy nhiên, gạo huyết rồng không được công nhận là gạo lứt như nhiều trang web đưa tin.

cách sử dụng trà gạo lứt
Gạo huyết rồng có thể dùng để nấu trà, nhưng nó không phải là gạo lứt

Vì vậy, nếu bạn đến cửa hàng gạo để mua gạo lứt pha trà thì nên chọn loại gạo nâu (gạo lứt tẻ), còn lớp cám bao bên ngoài. Khi bẻ ra, bạn sẽ nhìn thấy màu trắng ngà sạch sẽ bên trong.

Tốt nhất, bạn nên chọn những bao gạo lứt tẻ được hút chân không, hợp vệ sinh, có thương hiệu rõ ràng.

Trong phần sau của bài viết, chúng ta sẽ nói về gạo lứt tẻ – loại gạo lứt chuyên dùng để nấu trà.

Thành phần dinh dưỡng của trà gạo lứt

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, quá trình loại bỏ lớp vỏ trấu bên ngoài của gạo trắng đã khiến chúng mất đi rất nhiều giá trị dinh dưỡng từ thiên nhiên. Cụ thể, khi ta so sánh bảng thành phần 100 gram gạo lứt và gạo trắng với nhau:

100 gram gạo trắng

100 gram gạo lứt tẻ

130 kcal

0.3 gram chất béo

28.2 gram carbohydrate

2.7 gram protein

0.4 gram chất xơ

364 kcal

2.9 gram chất béo

76.8 gram carbohydrate

7.6 gram protein

2.1 gram chất xơ

Từ đây, ta có thể thấy rằng gạo lứt nâu chứa nhiều chất dinh dưỡng gấp 3 lần so với gạo trắng thông thường.

Nhờ vậy, dù khi nấu cơm hay khi nấu trà gạo lứt, chúng cũng mang lại nhiều lợi ích mà gạo trắng thông thường không có được.

Trà gạo lứt có những công dụng gì?

Đẹp da từ trong ra ngoài

Khác với gạo trắng, lớp cùi và phôi của gạo lứt tẻ có chứa có vitamin và hoạt chất làm da thêm căng bóng, sáng mịn. Đồng thời, gạo lứt cũng có chứa chất squalene và GABA – vốn là những chất cần thiết để giúp làn da thêm mịn màng, sáng bóng từ bên trong.

Hỗ trợ ngăn ngừa sỏi thận

Trong gạo lứt, bạn có thể tìm thấy vitamin K và IP6. Đây là hai chất giúp ngăn cản quá trình kết tinh chất oxalat canxi ở đường tiết niệu.

Oxalat canxi là hợp chất xuất hiện nhiều trong thực phẩm thường dùng, chẳng hạn như thịt, đậu phộng, hạt dẻ, đậu nành, nho, cam, cà chua, cà rốt,… Khi bị tích tụ quá nhiều, chúng sẽ hình thành những viên sỏi, gây bệnh suy thận và sỏi thận.

Giúp kiểm soát cân nặng

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thừa cân là luôn cảm thấy đói và ăn quá nhiều so với mức cần thiết. Lúc này, một ly trà gạo lứt sẽ hỗ trợ bạn thoát khỏi cảnh thừa cân. Bởi lẽ, gạo lứt sở hữu rất nhiều chất xơ, giúp cơ thể có cảm giác no bụng và ngăn chặn những cơn đói không cần thiết.

Cách làm trà gạo lứt

trà gạo lứt tác dụng
Món trà gạo lứt tự pha tại nhà vừa giúp bạn tiết kiệm chi phí, vừa là món quà thân thương cho người thân và bạn bè

Nguyên liệu

  • 5 gram lá trà xanh khô hoặc 1 gói trà xanh dạng túi lọc
  • 200 gram gạo lứt tẻ. Do nguyên liệu pha trà gạo lứt phải là gạo rang, nên bạn có thể rang một lượng gạo lớn cùng lúc để tiết kiệm thời gian cho những lần sau.
  • 200ml nước sạch
  • Đường phèn, mật ong tùy thích

Cách làm

Đầu tiên, bạn cần rang gạo lứt trên chảo

  • Bước 1: Rửa sạch số gạo lứt đã chuẩn bị.
  • Bước 2: Trải một lớp gạo mỏng lên chảo để gạo có thể chín đều. Đặt chảo lên bếp, sau đó bắt đầu rang gạo lứt từ nhiệt độ thấp đến trung bình. Do gạo lứt rất dễ cháy, khét, nên bạn cần phải kiểm tra thường xuyên. Thông thường, một mẻ gạo rang khoảng 5-6 phút tùy vào nhiệt độ bếp và loại chảo mà bạn sử dụng.
  • Bước 3: Khi gạo đã chuyển sang màu nâu đậm và tỏa hương thơm hấp dẫn thì bạn cho ra đĩa thủy tinh, trải đều cho nhanh nguội. Trong lúc đó, bạn nhanh tay rang mẻ khác. Cứ tiếp tục như vậy đến khi hết số gạo đã chuẩn bị.
  • Bước 4: Sau khi gạo rang đã nguội hết, bạn cho vào lọ thủy tinh để bảo quản và dùng dần.

Sau đó, bạn mới bắt đầu pha trà gạo lứt

  • Bước 1: Đun nóng nước đến 82-85 độ C. Nếu không có sẵn nhiệt kế để sử dụng, bạn có thể đun đến khi gần sôi thì tắt bếp. Dùng số nước nóng này tráng qua ấm trà rồi đổ đi.
  • Bước 2: Cho 10-15 gram gạo lứt rang và 5 gram lá trà xanh khô vào ấm, đậy kín nắp rồi hãm trong 3-5 phút.
  • Bước 3: Thưởng thức cùng đường phèn, mật ong tùy ý.

Thật ra, trà gạo lứt có ngon hay không còn tùy vào liều lượng nguyên liệu mà bạn chọn. Vì thế, Hiên Cúc Vàng chỉ cung cấp cho bạn công thức tham khảo, phù hợp với sở thích của nhiều người nhất.

Sau khi pha trà lần đầu, bạn uống thử là có thể gia giảm, điều chỉnh nguyên liệu sao cho phù hợp với khẩu vị của bản thân. Bởi lẽ, công thức trên có thành phần gạo lứt nhiều hơn lá trà xanh, do đó, tách trà sẽ có hương gạo rang rất đậm.

Còn nếu bạn muốn hương vị trà và gạo lứt cân bằng nhau thì có thể hãm trà với 5 gram gạo lứt và 5 gram lá trà

3 điều cần lưu ý khi uống trà gạo lứt

Chỉ nên uống trà gạo lứt 2-3 lần trong 1 tuần

Những năm gần đây, gạo lứt nổi lên với phong trào thực dưỡng và ăn kiêng. Vì thế, công dụng của chúng được nhiều người bán hàng tung hô lên để dễ bán. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, phải uống trà gạo lứt và ăn cơm gạo lứt thì mới có tác dụng.

Tuy nhiên, theo một bài phỏng vấn thì ThS.BS.TTƯT Dzoãn Thị Tường Vi (Trưởng khoa Dinh dưỡng trực thuộc bệnh viện 198) – khuyên bạn chỉ nên dùng gạo lứt 2-3 lần mỗi tuần. Nếu không, trà gạo lứt có thể gây phản tác dụng, dẫn đến sức khỏe suy giảm và thiếu dưỡng chất cho cơ thể.

Không để ngoài nhiệt độ phòng quá lâu

Nếu lỡ tay pha trà gạo lứt quá nhiều, bạn nên chờ nguội sau đó rót ra bình thủy tinh rồi cho vào tủ lạnh. Đến lúc muốn uống, bạn dùng lò vi sóng để hâm lại khoảng 2 phút là được.

Chúng ta nên làm như vậy vì trà gạo lứt không nên để ngoài nhiệt độ phòng quá lâu, vừa làm mất chất trà, vừa tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Hiên Cúc Vàng cũng khuyên rằng, bạn không nên để trà gạo lứt lạnh qua đêm mà cần uống ngay trong ngày.

Tận dụng bã gạo lứt

Sau khi pha trà gạo lứt, nhiều người lọc bã gạo rồi đổ đi mà không biết rằng chúng còn có thể tái sử dụng theo 3 cách như:

  • Nấu cháo gạo lứt
  • Cơm gạo lứt rang, thích hợp ăn sáng
  • Trộn cùng sữa chua, mật ong,… để đắp mặt nạ, tận dụng hết dưỡng chất có ở lớp cám gạo

Tại sao trà gạo lứt lại giúp giảm cân?

Khi tìm kiếm từ khóa “trà gạo lứt giảm cân”, chắc chắn rằng, bạn sẽ nhìn thấy một loạt quảng cáo của các sản phẩm trà gạo lứt. Sản phẩm nào cũng được hô hào là có nhiều công dụng “thần kỳ” như giảm cân thần tốc, đẹp da, sáng mắt,… Thế nhưng, muốn là người tiêu dùng thông minh, bạn phải thật cẩn thận.

trà gạo lứt thanh lọc cơ thể
Nếu muốn dùng trà gạo lứt để giảm cân, bạn không nên nghe theo những lời của người bán hàng.

Bởi lẽ, những quảng cáo này có thể cố tình đưa thông tin sai sự thật hoặc nhầm lẫn thông tin để bán được hàng. Chẳng hạn, gạo huyết rồng không thuộc gạo lứt nhưng bạn có thể thường xuyên thấy tên chúng trên những trang bán sản phẩm gạo lứt.

Thật ra, trà gạo lứt thật sự có khả năng giúp bạn giảm cân, nhưng chúng không thần tốc được như đồn đại. Đây là do gạo lứt có chứa nhiều chất xơ làm tăng cảm giác no cho cơ thể. Bạn chỉ cần uống một ít trà gạo lứt là đã thấy đủ và không cần ăn thêm các món ăn vặt nữa.

Đến lúc đói lại, bạn lấy một ít bã gạo rang từ trà để ăn như cháo là có thể tiếp tục kiềm cân. Kết hợp chế độ ăn uống này với tập luyện, sinh hoạt khoa học, bạn sẽ dần dần giảm được số cân mong muốn. Để mang lại kết quả nhanh hơn, bạn hãy thêm nhiều rau xanh và trái cây vào thực đơn của mình.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên lưu ý rằng khi mới uống trà gạo lứt, bạn có thể bị nhiệt miệng vì nóng trong người. Điều này còn tùy thuộc vào thể trạng của mỗi người.

Tuy nhiên, sau một thời gian, cơ thể bạn sẽ tự điều chỉnh trở lại như thường.

Vậy là trong bài viết trên, bạn đã nhận được đầy đủ thông tin về món trà bổ dưỡng, thơm nồng hương gạo lứt này. Nếu bạn vẫn còn những câu chuyện hoặc kinh nghiệm pha trà gạo lứt thì hãy để lại bình luận ngay phía dưới.

Tại Hiên Cúc Vàng, bạn sẽ được gặp gỡ và trao đổi cùng với những người yêu trà gạo lứt nói chung và trà nói riêng. Vì thế, hãy tham gia ngay cộng đồng của chúng tôi để được cập nhật những thông tin mới nhất. Chúc bạn pha được những ấm trà gạo lứt thơm ngon, bổ dưỡng!

Tham khảo thêm các bài viết về trà đối với sức khỏe khác cùng Hiên Cúc Vàng:

Trà diếp cá – thanh lọc, thải độc cơ thể

Trà dưỡng nhan | Nuôi dưỡng làn da từ bên trong

Trà cỏ ngọt – Cứu tinh của người bệnh tiểu đường

Trà chùm ngây | Trà thảo dược được WHO khuyên dùng


Các nguồn tham khảo:

  • Brown rice tea – Wikipedia (1)
  • What Are the Health Benefits of Brown Rice Tea? (2)

Hiên Cúc Vàng

Hiên Cúc Vàng là website chia sẻ thông tin về trà lớn nhất hiện nay. Thông điệp chúng tôi muốn truyền tải đến bạn đọc chính là: "GIỜ LÀ LÚC SỐNG GIẤC MƠ ĐỜI TA!" Hãy sống chậm lại, nghĩ về giấc mơ đời mình và nhâm nhi tách trà hôm nay, bạn nhé!

Subscribe
Notify of
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
Bài viết cùng chủ đề
Trà phúc bồn tử không phải là một loại trà có nhiều thông tin. Đặc biệt là những thông tin xác thực. Hiểu được điều đó, bài viết này ra đời.
9 phút để đọc
Gần đây, trà linh chi được nhiều người săn lùng vì các tin đồn về lợi ích thần kỳ của chúng. Những gì bạn nghe có phải là thật không?
11 phút để đọc
Trà mật ong luôn là lựa chọn của người thích vị ngọt. Bài viết sau sẽ hướng dẫn bạn cách uống tách trà này cho thơm ngọt, bổ dưỡng nhất!
11 phút để đọc
Thật ra, trà gạo lứt có thể gây phản tác dụng khi uống sai cách. Bài viết sau sẽ giúp bạn tìm hiểu về chúng thay vì tin vào người bán hàng.
7 phút để đọc
Khi tìm từ khóa “trà diếp cá”, bạn thường thấy rất nhiều quảng cáo về lợi ích, liều dùng của các thương hiệu trà. Thực hư ra sao?
7 phút để đọc
Khi trào lưu nổi lên, những người bán hàng sẽ bất chấp tung tin giả để kiếm lợi nhuận từ trà dưỡng nhan. Người tiêu dùng thông thái nên tin vào điều gì?
9 phút để đọc