Không phải dễ dàng mà ta tìm được một thức uống vừa cay nồng, vừa ngọt lịm tự nhiên như trà quế. Nhấp một ngụm, hương vị the mát của trà quế như tràn khắp khoang miệng nhưng cái ngọt vẫn còn quấn quýt nơi đầu lưỡi. Đấy là cái lạ mà không phải loại trà nào cũng làm được!
Nếu đang đọc bài viết này, chắc hẳn bạn đang rất tò mò về món trà quế! Trong bài viết, Hiên Cúc Vàng sẽ giới thiệu cho bạn tất tần tật những thông tin cần biết về món trà quế cay ấm này.
Trà quế làm từ gì? Hầu như ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng rõ!
Trà quế là một loại trà được pha từ cành nhỏ của vỏ cây quế. Từ ngàn năm trước, cây quế đã là loại gia vị đậm thơm dùng nêm nếm trong nấu ăn. Chúng có tính ấm, vị cay ngọt và được dùng chữa nhiều loại bệnh. Chỉ cần một chút tinh dầu quế nồng nàn, món ăn của bạn đã sở hữu ngay mùi thơm không cưỡng lại được.
Vì thế, việc người ta dùng quế để pha nên một tách trà ấm cũng là chuyện hiển nhiên. Nhờ hương vị vừa cay nồng, vừa ngon ngọt tự nhiên, trà quế đã trở thành thức uống yêu thích của nhiều người trên thế giới.
Trong tiếng Anh, quế được gọi là cinnamon. Từ năm 2000 TCN, quế đã là một loại gia vị quý hiếm, thậm chí là “món quà của bề trên” . Ở Ai Cập, chúng được sử dụng trong lễ ướp xác và nhiều nghi lễ tôn giáo quan trọng.
Tại Đế chế La Mã, quế được sử dụng trong sản xuất nước hoa và tạo hương thơm rượu vang. Đặc biệt, họ giữ bí mật về nguồn gốc của quế với các nước châu Âu. Thậm chí, trong suốt thời Trung cổ, chỉ có tầng lớp thượng lưu của Âu châu mới được chiêm ngưỡng và thưởng thức loại gia vị này.
Nếu bạn quan tâm đến những loại trà mà giới thượng lưu thường dùng thời xưa, hãy xem thử trà Bá Tước. Nếu trà quế đem đến mùi vị cay ngọt, nồng thơm cho Đông phương, thì trà Bá Tước lại là thức trà được Tây phương yêu thích nhất.
Những năm sau này, quế mới dần trở nên phổ biến hơn với tầng lớp trung lưu. Điều này là do quế đã bắt đầu được trồng và lai thêm nhiều giống mới để kinh doanh. Vì vậy, không phải loại trà quế nào cũng có hương vị và tác dụng như nhau.
Để pha nên tách trà quế thơm nồng nàn, bạn có thể lựa chọn giữa 3 loại quế: quế Cassia (Trung Hoa); quế Ceylon (Sri Lanka và Nam Ấn Độ) và quế Việt Nam.
Quế Cassia | Quế Ceylon | Quế Việt Nam |
Là loại quế có lớp vỏ dày màu nâu đậm, sờ vào thấy thô ráp, sần sùi hơn các loại quế khác. Do hàm lượng dinh dưỡng ít, quế Cassia có giá khá thấp. Hiện nay, chúng được sử dụng phổ biến trên thế giới để làm gia vị trong nấu ăn hoặc để pha trà. Do Việt Nam là đất nước trồng quế, nên Cassia dạng nguyên vỏ không phổ biến ở nước ta. Thông thường, chúng có giá nhập khẩu khoảng 200.000-300.000 VNĐ/ 500 gram. | Đây là loại quế được trồng nhiều ở Sri Lanka và miền nam Ấn Độ. Nhiều người cho rằng, chỉ có quế Ceylon mới là quế “thật”. Bởi lẽ, chúng có chất lượng cao hơn hẳn so với các giống quế còn lại. Quế Ceylon có màu nâu nhạt, sờ vào thấy lớp vỏ mỏng, trơn, cuộn chặt vào nhau thành nhiều lớp. Chúng có hương thơm ngọt ngào, phù hợp để tạo nên những tách trà quế thanh dịu. Quế Ceylon là loại quế có giá cao nhất – khoảng 700.000-1.000.000 VNĐ/ 500 gram. Nước ta cũng có trồng loại quế Ceylon này và gọi là quế Quan (quế Tích Lan). Tuy nhiên, quế Quan không được ưa chuộng do hàm lượng tinh dầu ít và không đem lại nhiều tác dụng. | Việt Nam là đất nước trồng nhiều loại quế như quế Thanh (Thanh Hóa), quế Yên Bái, quế Nghệ An,… Trong đó, loại quế có chất lượng cao và đắt tiền nhất là quế Thanh. Từ xưa, chúng đã được ông cha ta dùng như một loại dược liệu trong y học, làm tinh dầu, gia vị cho món ăn. Chúng có vị hơi cay, tính ấm. Trà quế Việt nếm vào thấy the nồng, sau thấy đắng, rồi hậu vị ngọt mới bắt đầu lan dần ra. |
Uống trà quế có tác dụng gì? Nếu muốn nhận được những lợi ích này, bạn phải hiểu rõ về chúng!
Thông thường, quế được biết đến như một loại gia vị để tăng thêm vị cay nồng cho món ăn. Tuy nhiên, chúng cũng sở hữu rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe.
Khi uống tách trà quế cay nồng, bạn không những nhận được cảm giác yên bình mà còn có thêm nhiều lợi ích như:
Mỗi ngày một tách trà quế để giảm lượng cholesterol xấu
Nếu là người bệnh mỡ máu hoặc có lượng cholesterol xấu cao, có lẽ, bạn đã từng được khuyến khích uống trà quế.
Vào tháng 09/2013, một nghiên cứu trên tạp chí Annals of Family Medicines đã công bố rằng nếu bạn tiêu thụ 120mg – 6gr quế mỗi ngày, lượng cholesterol LDL (xấu) sẽ giảm đi. Đồng thời, lượng cholesterol HDL (tốt) cũng tăng lên. Từ đó, nghiên cứu này đã trở thành nền tảng cho tác dụng của quế với các cholesterol xấu.
Vì vậy, người uống trà quế mỗi ngày sẽ giảm thiểu được khả năng mắc các bệnh về mỡ máu, xơ vữa động mạch và nhiều bệnh tim mạch khác.
Nếu bạn thích một thức uống ngọt tự nhiên, tại sao không thử trà quế?
Khi nhắc đến trà quế, cảm giác đầu tiên của nhiều người là ngửi được hương vị cay nồng thoang thoảng nơi sống mũi. Quả thật, trà quế thường được nhớ đến như là một loại trà có vị cay, ấm và đem lại cảm giác thông thoáng cho cổ họng.
Tuy nhiên, không biết vô tình hay cố ý mà người ta lại quên đi hậu vị ngọt ngào mà chúng mang lại. Nhờ tinh dầu có trong cây quế, vị ngọt này hoàn toàn tự nhiên mà không cần bạn phải cho thêm bất kỳ chất tạo ngọt nào khác như đường, mật ong,…
Từ đó, trà quế vừa giúp người uống có một hơi thở thơm tho, ngọt dịu, vừa làm ấm cơ thể.
Bạn có biết: Quế là gia vị có chứa chất chống oxy hóa nhiều thứ ba trong danh sách các loại gia vị!
Theo tạp chí Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine (2014), quế chứa rất nhiều hoạt chất chống oxy hóa mạnh như polyphenols. Đây là hoạt chất có khả năng ngăn chặn tổn thương ở tế bào, từ đó trà quế sẽ làm chậm quá trình lão hóa cơ thể và hạn chế nhiều bệnh tim mạch khác.
Trong bảng xếp hạng về khả năng chống oxy hóa trên tạp chí Hóa học Nông nghiệp và Thực phẩm Hoa Kỳ (2005), quế đứng đầu trong 26 loại gia vị phổ biến.
Bảng xếp hạng cũng là câu trả lời rõ ràng nhất cho câu hỏi “Uống trà quế có tốt không?”.
Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường type 2, tại sao không thử dùng trà quế?
Một số nghiên cứu cho rằng, trà quế có công dụng kiểm soát đường huyết khá tốt đối với người bị bệnh tiểu đường. Nhất là người bệnh tiểu đường type-2.
Bởi lẽ, các bệnh nhân tiểu đường có đường huyết cao là do họ bị kháng insulin. Insulin là một trong những chất hormone quan trọng, có chức năng vận chuyển đường huyết từ máu đến tế bào con người.
Khi bệnh nhân kháng insulin, glucose sẽ không được chuyển đến các tế bào, dẫn đến đường huyết cao. Tin tốt là một số thành phần của quế có thể thay đổi được điều này!
Vào năm 2008, tạp chí khoa học Proceedings of the Nutrition Society (Anh quốc) đã chứng minh rằng hợp chất polyphenol có trong quế làm tăng độ nhạy của insulin. Từ đó, trà quế sẽ làm giảm lượng đường huyết đáng kể.
Khoảng 2 năm sau, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đái tháo đường (Hoa Kỳ) cũng công nhận điều này. Từ đó, những nghiên cứu về tác dụng của quế đối với tiểu đường liên tục được chứng minh và mỗi ngày một chuyên sâu hơn.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều nghiên cứu khác chứng minh quế không hề có tác dụng này. Hiện nay, người ta vẫn đang tiếp tục thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu và có chất lượng cao hơn.
Vì thế, bạn không nên cho rằng trà quế có thể thay thế hoàn toàn được các loại thuốc tiểu đường. Mà nó chỉ phần nào hỗ trợ bệnh nhân trong việc kiểm soát đường huyết. Chưa kể, kết quả của việc giảm đường huyết còn bị ảnh hưởng bởi giống và quy trình sản xuất quế.
Gợi ý cho bạn: Vì quế có vị nồng thơm và ngọt tự nhiên nên bạn có thể uống một tách trà quế khi thèm ăn đồ ngọt. Bí quyết này có thể áp dụng cho cả người tiểu đường hoặc người đang giảm cân.
Nếu bạn thắc mắc uống trà quế có giảm cân không thì thật ra, uống trà quế không hề giảm được cân như nhiều người vẫn tưởng. Bạn chỉ có thể dùng trà quế để kiềm cơn thèm ngọt của mình, rồi kết hợp ăn uống khoa học và tập thể dục thôi.
Bên cạnh đó, một số loại thảo dược cũng cung cấp vị ngọt mà không cần cho thêm đường phèn, mật ong,… Nếu bạn là bệnh nhân tiểu đường và đang tìm kiếm những loại trà thảo dược ngọt tự nhiên, bạn cần dùng trà cỏ ngọt!
Trà quế từ bột quế là gì? Có tốt như quế tươi không?
Không phải lúc nào, người ta cũng thích uống trà quế được pha từ quế tươi. Bởi lẽ, trong thời đại hàng giả, hàng thật lẫn lộn như hiện nay, nhiều người bán hàng sẵn sàng trộn thêm vỏ của nhiều giống quế kém chất lượng.
Từ đó, họ sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn mà người dùng không hề hay biết. Vì vậy, nhiều người đã chuyển sang uống trà bột quế của những thương hiệu lớn, có uy tín và đảm bảo về mặt nguyên liệu.
Thật ra, bột quế là bột của vỏ cây quế. Sau khi sấy khô, vỏ cây quế sẽ cuộn tròn lại. Lúc này, người ta sẽ để nguyên, chẻ đôi, đập vụn hoặc xay nhuyễn vỏ quế thành bột để đóng vào gói.
Do đó, hầu hết các gói bột quế nguyên chất đều có hương vị cay nồng, đậm đà và sở hữu tác dụng như vỏ quế thông thường. Chưa kể, chúng cũng có thời gian bảo quản rất lâu (khoảng 2-3 năm).
Vì thế, trà bột quế đã trở thành thức uống của những người thích trà quế. Bên cạnh đó, người ta cũng tận dụng chúng để làm gia vị, chả quế, sinh tố trái cây và quế,…
Mua quế để pha trà – Tưởng dễ mà không dễ!
Khi tìm mua nguyên liệu pha trà quế, bạn hãy lưu ý rằng trà quế được làm từ vỏ cây quế sấy khô. Bởi lẽ, nhiều người vì không chú ý nên đã mua nhầm một loại trà có tên tương tự là trà quế hoa. Thực chất, trà quế hoa là một loại trà hoa mộc chứ không phải trà quế.
Hiện nay, quế khô để pha trà quế trên thị trường được bán dưới nhiều dạng khác nhau như:
- Quế ống (quế nguyên dạng ống)
- Quế chẻ (quế được chẻ ra làm nhiều mảnh)
- Quế vụn (quế đã vụn thành các mảnh nhỏ)
Tùy theo khẩu vị và nhu cầu, bạn có thể chọn mua loại quế theo ý thích của mình. Ngoài ra, người ta còn bán loại trà bột quế là vỏ quế nghiền nhuyễn thành bột.
Do quế không được sử dụng nhiều, các tiểu thương thường bán quế dạng lẻ. Chẳng hạn, quế ống chỉ có giá khoảng 1.000-2.000 VNĐ/ ống. Nếu đang định thử trà quế lần đầu tiên, bạn có thể mua lẻ từng loại trước để thử rồi mới quyết định.
Nhưng không phải cứ uống nhiều trà quế là tốt!
Tuy quế không mang độc tính, nhưng chúng vẫn là một loại thực vật có dược tính mạnh. Vì vậy, việc uống trà quế quá nhiều có thể gây phản tác dụng như tụt đường huyết, đau miệng, tổn thương gan,… Nếu thích uống trà quế nói riêng hoặc hương vị quế nói chung, bạn chỉ nên dùng một lượng quế nhất định.
Thật ra, đến nay người ta vẫn chưa có thống nhất về liều lượng quế được phép dùng mỗi ngày. Hầu hết những tác dụng phụ trong quế đều bắt nguồn từ một hợp chất tên là coumarin có trong vỏ quế. Do mỗi giống quế lại chứa lượng hợp chất coumarin khác nhau, nên lượng quế được dùng của chúng cũng khác nhau.
- Đối với quế Cassia: Theo tạp chí Nghiên cứu Thực phẩm & Dinh dưỡng Phân tử (Hoa Kỳ), mỗi ngày một người chỉ được phép dùng 0.1mg coumarin/ kg khối lượng cơ thể. Mà trong 1 gram quế Cassia, ta có thể tìm thấy 2.8 – 7.2mg coumarin. Theo tính toán, mỗi ngày một người có trọng lượng 60kg chỉ được phép dùng 6mg coumarin – tức khoảng 1 gram quế Cassia.
- Đối với quế Ceylon: Trong khi đó, theo WebMD – trang web chăm sóc sức khỏe hàng đầu nước Mỹ, hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể về liều dùng của quế Ceylon. Tuy nhiên, họ cũng khuyên rằng bạn hãy dùng dưới 3 gram quế Ceylon một ngày trong 6 tháng liên tục. Sau đó, bạn phải ngưng sử dụng một thời gian rồi mới tiếp tục.
Trà quế là món có hương vị vừa thoảng cay nhẹ nhàng, vừa ngọt ngào khó cưỡng. Chưa kể, tách trà quế còn mang một màu nâu ấm áp nên rất phù hợp cho những ngày tiết trời lành lạnh hoặc khi có mưa phùn ghé thăm. Đồng thời, đây cũng là thức uống thích hợp để bày tỏ tình yêu thương đến với những người thân, bạn bè của bạn!
Vậy là bài viết trên đã tổng hợp tất cả những thông tin cần biết trước khi uống trà quế. Hiên Cúc Vàng mong rằng bài viết sẽ giúp được phần nào cho những người yêu thích món trà quế đậm đà hương vị đặc trưng này.
Do đây không phải là một món trà quá phổ biến, nên chúng tôi mong rằng có thể được nghe nhiều câu chuyện về trà quế hơn từ những người yêu trà. Nếu bạn sở hữu một câu chuyện muốn chia sẻ, đừng ngần ngại mà hãy để lại bình luận ngay dưới bài viết! Chắc chắn rằng, những người thích uống trà cũng đang chờ đợi câu chuyện về trà quế của bạn đấy
Tham khảo thêm các bài viết thú vị khác về trà cùng Hiên Cúc Vàng:
Trà hoa ngũ cốc: Rực rỡ sắc màu từ ngũ cốc và hoa thơm
Trà lài | 7 điều thú vị bạn nên biết về tách trà ướp hương này!
Các nguồn tham khảo: