Đi tìm văn hóa nghìn năm trong tách trà Việt Nam

Cùng với Hiên Cúc Vàng, bạn sẽ bắt đầu tìm hiểu rõ hơn về nguồn gốc, lịch sử, vùng trồng và nhiều điều chưa biết về các loại trà Việt Nam.

Hiên Cúc Vàng

25.09.2021

Nhắc đến trà Việt Nam, là nhắc đến người Việt. Trà không những gắn bó với những thói quen, nếp sống gần gũi, thân thương của người Việt. Mà đó còn là văn hóa, là bản sắc, là chất riêng của ta. Trà là người bạn chia sẻ niềm vui nỗi buồn, là tình nhân bên những câu chuyện sớm tối, là người đồng hành trên những nẻo đường. Vậy nên, hãy cùng Hiên Cúc Vàng tìm hiểu nguồn gốc và lịch sử, văn hóa trà Việt Nam.

Nguồn gốc cây trà Việt Nam

Uống trà luôn là một phần văn hóa Việt Nam. Đến nỗi ta có thể gọi cả trà và tiếng Việt là người bạn lâu đời, một tình cảm lạ lùng từ thế kỷ XIII. 

Lịch sử trà ở Việt Nam ghi nhận, trước khi bị ảnh hưởng bởi trà Trung Quốc, thức uống này đã được tiêu thụ rộng rãi bởi tầng lớp nông dân trong xã hội Việt Nam dưới hình thức đơn giản nhất. Đó là lá trà tươi được hái từ cây trong rừng hoặc từ vườn cây trong nhà. 

Lịch sử trà ở Việt Nam

Qua thời gian, trà Việt Nam gắn liền với Phật giáo, được hình thành và phát triển cùng chùa chiền. Hình thức “thiền trà” ngày càng trở nên phổ biến trong cung đình. Loại trà cầu kỳ này được cả vua chúa, quan lại lẫn tầng lớp quý tộc đón nhận. Dù vậy, trong thời gian này trà Việt Nam chủ yếu dùng để phục vụ cho mục đích cá nhân hoặc nhóm nhỏ. Trà lúc đó chưa dùng cho mục đích bán hàng hay xuất khẩu.

Mặc dù trà đã được thưởng thức ở Việt Nam từ hàng nghìn năm trước, nhưng mới chỉ sản xuất quy mô từ những năm 1880. Thời gian này, thực dân Pháp mở đồn điền trà đầu tiên ở khu vực Phú Thọ, phía Tây Bắc Hà Nội. Lịch sử cây trà ở Việt Nam ghi nhận, trà ngày càng phổ biến nên thực dân Pháp ngày càng mở thêm nhiều đồn điền, đồng thời tập trung xuất khẩu. Các giống trà Việt Nam thường được xuất khẩu sang các nước Tây Âu, Hồng Kông, Singapore và Trung Quốc.

Nguồn gốc cây trà ở Việt Nam
ta có thể gọi cả trà và tiếng Việt là người bạn lâu đời, một tình cảm lạ lùng từ nhiều thế kỷ trước

Sản lượng trà Việt Nam

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 34 tỉnh trồng trà với tổng diện tích khoảng 130.000 ha. Đây là một con số ấn tượng, tăng gấp mười lần so với năm 1939. Sản lượng trà cũng tăng rõ rệt, ở mức 7,15 tấn/ ha/ năm. Vì vậy, trà Việt Nam ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Văn hoá trà Việt Nam

Trà trong nếp sinh hoạt

Theo truyền thống của các gia đình Việt, uống trà như là một thói quen hàng ngày. Vào buổi sáng, ta thường bắt đầu với một tách trà mạn để đánh thức năng lượng cho ngày mới. Vì thế, một tách trà ô long hoặc một tách trà xanh Thái Nguyên sẽ là lựa chọn tuyệt vời cho sớm mai đầy hứng khởi. 

Bên cạnh đó, thưởng trà ở trước hiên hay sau vườn luôn là địa điểm mọi người ưa chuộng. Bởi lẽ không khí mát mẻ của thiên nhiên đất trời sẽ phần nào làm cho tách trà sớm mai thêm hương thêm vị.

Không chỉ vậy, uống trà sau bữa ăn cũng là một thói quen ưa thích của người Việt. Đây là khoảng thời gian mọi người quây quần bên nhau sau một ngày dài làm việc. 

Văn hoá trà ở Việt Nam
Uống trà, bất kể khi nào, khi trời mưa, khi nắng đẹp, không vì lý do cụ thể.

Mọi người cùng nhau chia sẻ một ngày của mình. Chuyện gì vui, chuyện gì buồn, có tách trà, có người thân, còn gì tuyệt hơn? 

Vậy nên, câu chuyện bên cạnh tách trà nhài hay trà hoa cúc dường như là hình ảnh không thể nào thiếu trong gia đình người Việt. 

Trà Việt Nam trong tâm thức thế hệ

Uống trà, bất kể khi nào, khi trời mưa, khi nắng đẹp, không vì lý do cụ thể. Người già uống trà vì hoài niệm. Người trẻ uống trà vì thích, vì để thư giãn. 

Trà là cầu nối giữa những người bạn già với nhau. Họ cùng nhau đánh cờ bên ly trà, cùng nhau ăn trầu bên ấm trà. 

Mặc cho tuổi già, họ vẫn giữ gìn nhựa sống tràn trề trong mình bằng tách trà và những người bạn. Nếu như “Miếng trầu là đầu câu chuyện” thì tách trà là ngọn lửa cháy âm ỉ, sáng mãi trong lòng các cụ. 

Bởi giờ đây, bên họ không chỉ có người thân, bạn bè mà còn có những “báu vật” vô giá đấy bên cạnh. 

Rồi ai cũng phải lớn lên, già đi, thật quý vì giờ đây họ vẫn có thể tìm thấy niềm vui qua những thú vui tao nhã, bình dị như thưởng trà.

văn hóa uống trà việt nam
Rồi ai cũng phải lớn lên, già đi…

Trà Việt Nam không chỉ xuất hiện trong những gia đình truyền thống xưa như ông bà hay bố mẹ ta. Nó còn được ưa chuộng bởi những gia đình trẻ ngày nay. Trà còn là một phần của lịch sử, của kinh tế, của bản sắc văn hóa mà thế hệ trẻ cần lưu giữ. 

Tách trà túi lọc ấm nóng được phục vụ khi bắt đầu những cuộc họp, ly trà táo đỏ trong đám cưới, ly trà đá trong quán cà phê, cốc trà tắc vỉa hè. Đó như thể là một phần để mở đầu câu chuyện. 

Vì thế nên “trà chanh chém gió” trở thành trào lưu của các bạn trẻ trong nhiều năm trở lại đây. Các quán trà mọc lên như nấm với thiết kế độc đáo với giá thành khá mềm, chỉ từ 10.000 VNĐ. Cũng có những quán trà tự phục vụ, tự pha chế, tự trả tiền cho những bạn thích thư giãn.

Trà và khoảnh khắc

Ở các thành phố lớn, người ta uống trà ở những quán nhỏ ven đường, trước cổng chợ, trường học hay ga tàu. Pha một cốc trà đá, người ta nói về những thứ nhỏ bé, những câu chuyện tầm phào, hay những câu chuyện về đá bóng, covid,… 

Đến Việt Nam, ở bất cứ đâu, nếu nhận được lời mời uống một ly trà thì hãy mỉm cười và nhận lấy. Bởi lẽ đó không chỉ là lòng hiếu khách của người dân địa phương mà còn là nét văn hóa, bản sắc trong phong cách uống trà nơi đây.

Các loại trà Việt Nam phổ biến

Nước ta có rất nhiều loại trà, nhưng Hiên Cúc Vàng giới thiệu cho bạn ba loại trà Việt Nam phổ biến: trà xanh, trà đen và bạch trà.

trà phổ biến ở việt nam

Trà xanh ở Việt Nam

Trong các loại trà ngon ở Việt Nam, trà xanh là một trong những loại phổ biến nhất. Loại trà này được trồng chủ yếu ở Thái Nguyên, vì thế mà ta có danh trà Thái Nguyên

Lá của cây trà xanh có màu xanh bóng với các mép răng cưa. Hình dạng và kích thước tương tự như lá nguyệt quế. Lá trà được trải qua những công đoạn kỹ càng, an toàn và chuyên nghiệp như sao khô, vò, rồi lại làm khô. 

Những búp trà non đẹp nhất, tươi nhất sau đó lại được bảo quản ở nhiệt độ vừa chuẩn dưới sự kiểm soát kỹ càng. Những người thợ lành nghề, dày dặn kinh nghiệm sẽ thực hiện giai đoạn khó nhằn đấy. Vậy nên lá trà cuối cùng sẽ giữ được một sắc xanh hoàn hảo, đẹp mắt. 

Cũng nhờ đó, trà xanh đem lại 4 công dụng rất tốt cho sức khỏe. Cũng nhờ 4 công dụng này mà chúng được dùng thay cho cà phê hoặc các thức uống năng lượng.

Trà đen ở Việt Nam

Trà đen cũng là một trong những loại trà thơm ngon. Loại trà nổi tiếng của Việt Nam này còn được gọi là “hồng trà” (trà đỏ). Sở dĩ có tên gọi như vậy vì nước trà có màu đỏ hay màu hổ phách. 

Từ lá cây trà xanh tươi, quá trình oxy hóa tác động đến các thành tế bào của trà khiến chúng thay đổi màu sắc và hương vị. Trà đen là nguyên liêu chủ yếu được sử dụng làm trà sữa trân châu

Bạch trà ở Việt Nam

Trong các giống trà ở Việt Nam, bạch trà là một loại trà quý. Chúng đã được xếp vào những loại trà ngon ở Việt Nam nhờ quá trình sản xuất đặc biệt. 

Bạch trà được hái từ búp chồi cao nhất của cây từ khi lá còn chưa mở. Qua quá trình chế biến tối giản, được phơi khô nhờ nắng và gió, trà đã giữ được những gì tinh túy nhất khi đến tay người tiêu dùng. Đây là loại trà thượng hạng bởi tính hiếm có của nó nên giá thành cũng sẽ cao hơn so với những loại trà bình thường.

Các loại trà truyền thống Việt Nam

Trà sen

Trong các loại trà truyền thống Việt Nam, đầu tiên và đặc biệt nhất phải kể đến trà sen. Bởi thức trà này mang tinh túy, hơi thở Việt. Đặc biệt, nhắc đến trà sen người ta sẽ nghĩ ngay đến trà sen Tây Hồ (Hà Nội). Đây là loại trà đặc biệt, được các bậc nghệ nhân đánh giá cao với xứng danh “Đệ nhất danh trà”.

Trà sen được người ta uống và nâng niu bởi hương vị nồng nàn của hương sen, thêm chút mùi vị của trà xanh. Tất cả hòa quyện cùng nhau tạo thành một thức hương đặc biệt khó quên.

Trà ướp hoa lài 

Trà ướp hoa lài là cái tên không thể thiếu trong bản đồ các loại trà Việt Nam. Một chút thơm nhẹ, dịu mát của hương hoa, một chút chan chát ngọt ở đầu lưỡi tạo nên một tách trà ướp hoa lài phong phú, đủ vị.

Đặc biệt hơn, trà hoa lài không hề chứa caffeine gây mất ngủ. Ngược lại một tách trà ấm nóng với hương thơm dễ chịu sẽ làm giải tỏa căng thẳng mệt mỏi trong cơ thể bạn. Hãy pha trà hoa lài theo hướng dẫn của chúng tôi, để thư giãn thật chuẩn vị!

Trà tiên 

Trà tiên được hái từ trên búp cây trà cổ thụ có hàng nghìn năm tuổi trên đỉnh núi Hà Giang – Hoàng Su Phì – Tây Côn Lĩnh. Cây chỉ thu hoạch được từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm. Nước trà có màu tươi sáng, đậm hương thơm của núi rừng. Đặc biệt hơn, đây là loại trà có ngâm lâu cũng không đắng chát.

Các loại trà truyền thống ở Việt Nam

Các vùng trồng trà Việt Nam

Việt Nam có rất nhiều vùng trồng trà nổi tiếng nhưng có lẽ đặc biệt nhất, người ta phải kể đến Thái Nguyên, Bảo Lộc, và Tây Bắc.

Vùng trà Thái Nguyên

Đây là vùng nổi tiếng với các giống trà lá nhỏ, còn là vùng canh tác trà lớn nhất phía Bắc. Vì vậy, ở nơi đây cung cấp gần như tuyệt đối sản lượng trà mà miền Bắc sử dụng. Trong lượng trà xuất khẩu, tỷ trọng của trà xanh Thái Nguyên chiếm đến 6.500 tấn. Riêng với khu vực Thái Nguyên, diện tích đất trồng trà đã lên đến 18.200 hecta.

Vùng trà Thái Nguyên

Trà xanh Thái Nguyên là sản phẩm không thể không kể đến. Cụ thể hơn, Tân Cương là xã trồng trà ngon nhất Thái Nguyên, nổi tiếng với loại trà nõn tôm cao cấp. Không chỉ vậy, nơi đây còn sản xuất trà đinh, trà móc câu, hai loại trà được ưa chuộng không kém nõn tôm.

Vùng trà Bảo Lộc

Đây là vùng cao nguyên rộng lớn, trù phú với khí hậu biển thích hợp trở thành vùng trồng trà ở Việt Nam. Bảo Lộc là địa điểm chuyên trồng những loại trà ướp hương, ướp hoa truyền thống như: trà lài, trà sen,…

Đồi chề Bảo Lộc

Vùng trà Tây Bắc

Những cây trà hàng trăm tuổi mọc trên đỉnh Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Nơi đây được khai thác thủ công bởi những bộ tộc ít người. Đây được xem là cái nôi tinh hoa trà khi khắp các tỉnh Tây Bắc đều có trà ngon, trà thượng hạng. Chẳng hạn như giống trà Lũng Phin, giống trà Shan núi hay trà cổ thụ núi Tà Xùa.

Trà Tây Bắc Việt Nam

Các loại hoa trà ở Việt Nam

Cây hoa trà là loại cây thân gỗ, mọc thành từng bụi cao từ 2m đến 3m. Mỗi năm, hoa trà chỉ ra hoa duy nhất một lần, mỗi lần kéo dài từ 2 đến 3 tháng. Các giống hoa trà ở Việt Nam đều phù hợp để trồng nơi đất chua và có nhiều mùn.

Các giống hoa trà Việt Nam

 Hoa trà trắng

Hoa trà trắng có hai loại chính. Một loại là giống trà thuần bản địa ở Việt Nam. Loại còn lại là giống trà bạch Nhật cũng có hoa màu trắng nhưng bông và cánh to hơn.

Những bông hoa màu trắng tượng trưng cho sự tinh khôi, trong trắng của những cô gái mới lớn, còn e ấp, ngại ngần. Nhưng cũng có người cho rằng bông hoa trà trắng thể hiện sự tang tóc, đau đớn, và thường xuất hiện trong đám tang.

Hoa trà đỏ

Đây là loại hoa trà được du nhập từ Trung Quốc về Việt Nam, đã được thích nghi với khí hậu nơi đây.

Hoa trà đỏ tượng trưng cho may mắn, lạc quan, luôn tin tưởng vào tương lai. Nó còn gắn với ý nghĩa là khát khao, tình yêu cháy bỏng.

Hoa trà hồng (trà cung đình)

Đây là loại hoa có màu hồng rất đẹp, thường nở vào dịp Tết Dương lịch hay trước Tết Âm lịch. Vì vậy, hoa trà hồng được người ta chọn làm loại hoa trang trí vào những ngày đặc biệt như vậy.

Nhiều người cho rằng hoa trà hồng mang đến nhiều sự tốt đẹp cho gia chủ vì màu hồng tươi tắn, rạng rỡ.

Các thương hiệu trà ở Việt Nam

Hiện nay có rất nhiều công ty kinh doanh trà ở Việt Nam. Tuy nhiên, mỗi thương hiệu có những ưu và nhược điểm riêng.

Khi mua trà, bạn hoàn toàn có thể lên những trang điện tử chính thống để đọc đánh giá và đặt mua. Hơn nữa, bạn cũng có thể tham gia cộng đồng chia sẻ về trà của Hiên Cúc Vàng để nhận gợi ý và trò chuyện với các thành viên trong nhóm.

Các loại trà thảo mộc Việt Nam

Trà thảo mộc (trà thảo dược) được làm từ nhiều loại trái cây khô, gia vị hoặc cây cỏ. Vì thế, mỗi loại thảo mộc sẽ cho ra một hương vị khác nhau, giúp người thưởng trà không cảm thấy nhàm chán. Không những đa dạng về loại, hương thơm khác nhau, trà thảo mộc còn sử dụng như một phương thuốc tự nhiên phòng được nhiều loại bệnh. Hiên Cúc Vàng đã có một bài viết riêng về trà thảo mộc Việt Nam, bạn nên đọc để hiểu thêm về loại trà này.

Trà hoa cúc 

Theo một bài báo “Lợi ích sức khỏe của trà hoa cúc” từ NOURISH WEBMD, trà hoa cúc mang lại 7 lợi ích về sức khỏe. Bởi lẽ, trà hoa cúc cung cấp các vitamin, khoáng chất và những chất chống oxy hóa quan trọng. Hơn nữa trà hoa cúc còn bổ sung kali, giúp giảm các nguy cơ mắc bệnh tim, viêm khớp, ung thư, rối loạn và vô sinh.

tác dụng trà hoa cúc

Trà bạc hà

Trà bạc hà là một thức uống có mùi thơm mát, dễ chịu. Vì vậy, khi uống vào, ta sẽ có cảm giác khoan khoái, tươi mát và tỉnh táo. 

trà bạc hà tiếng anh là gì
Chỉ cần dạo một vòng quanh những siêu thị, quán nước, bạn có thể dễ dàng tìm thấy những hộp trà trà bạc hà

Uống trà bạc hà cũng có thể chống lại chứng hôi miệng. Một nghiên cứu của giảng viên Kyung Eun Oh (2017) cho thấy việc súc miệng bằng hỗn hợp tinh dầu bạc hà, chanh và trà rất tốt. Nó giúp cải thiện tình trạng hôi miệng của những bệnh nhân tham gia sau phẫu thuật cột sống. 

Trà gừng

Trà gừng là một thức uống nồng và khá khó uống. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu vào năm 2019 của một nhóm sinh viên tại Iran, gừng có tác dụng làm giảm đầy hơi, chuột rút. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng rỗng dạ dày tạo nên chứng khó tiêu và gừng có thể giúp cải thiện tình trạng này.

Trà chanh 

Trà chanh là một thức uống cực kì đơn giản, dễ làm dành cho mùa hè của bạn. Tùy vào sở thích của mình, bạn có thể tự kết hợp thêm chanh tươi với đường hoặc muối. Dù chọn chanh đi với đường hay muối thì một ly chanh tươi là đủ cho mùa hè vui nhộn này.

Lễ hội trà Việt Nam

Lễ hội trà ở Lâm Đồng, Đà Lạt

Lễ hội trà Lâm Đồng được tổ chức hai năm một lần vào tháng 12. Mục đích của lễ hội này là góp phần tôn vinh những sản phẩm trà của địa phương. Đồng thời hình thành thói quen, nếp sống sinh hoạt uống trà cho người dân, đặc biệt là cho giới trẻ. Vì vậy, đối tượng hướng đến là tất cả mọi người, đặc biệt là người dân nơi này. 

Lễ hội được tổ chức ở cả huyện Bảo Lâm, Di Linh, Cầu Đất (thành phố Đà Lạt). Đặc biệt, lễ hội có các chương trình hấp dẫn như: “Hương sắc trà B’Lao”, các hội thi “Sắc màu Nam Tây Nguyên”, “Kiến thức về trà và cuộc sống”.

Lễ hội trà Thái Nguyên

Lễ hội trà ở Thái Nguyên diễn ra trong cả ba ngày, vào khoảng tháng Tư. Tùy theo thời tiết và điều kiện, lễ hội trà sẽ được tổ chức ở những mốc thời gian khác nhau. Đây cũng là dịp để người dân bản địa giới thiệu với bạn bè năm châu về ẩm thực trà, nét văn hóa rất đỗi truyền thống nhưng cũng đậm tính hiện đại. Vì thế, đối tượng chính tham dự là người dân bản địa cũng như đoàn du khách, các đoàn đại biểu.

Lễ hội diễn ra khắp tỉnh Thái Nguyên từ quảng trường Võ Nguyên Giáp, đường Hùng Vương đến La Bằng và Tức Tranh. Đặc biệt, trong lễ hội văn hóa trà diễn ra nhiều hoạt động thú vị như: Đêm hội thưởng trà, cuộc thi “Người đẹp xứ Trà” hay các hội thảo về nâng cao giá trị, thương hiệu và kết nối cung cầu trà Thái Nguyên.

Thị trường trà Việt Nam

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 130.000 ha diện tích đất trồng và 500 cơ sở chế biến trà. Mỗi năm công suất đạt trên 500.000 tấn trà khô mỗi năm. Một số vùng trà Việt Nam cho năng suất cao và đem lại chất lượng tốt phải kể đến: Bảo Lộc (Lâm Đồng), Tân Cương (Thái Nguyên), Mộc Châu (Sơn La),…

Mặc dù Việt Nam nổi tiếng về xuất khẩu trà trên thế giới, tuy nhiên mức tiêu thụ trà trong nước lại không cao. Mức tiêu thụ trong nước hiện nay chỉ đạt 30.000 tấn chè/ năm, bình quân 300gr/ người/ năm. Tỷ lệ này vẫn thấp hơn nhiều so với Nhật Bản: 2kg/ người/ năm hay Trung Quốc: 1kg/ người/ năm. Giá trà bán trong nước (5-10 USD/ kg) cao hơn so với giá chè xuất khẩu (1,6 USD/ kg). 

Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, chúng ta đang cố gắng mở rộng thị trường xuất khẩu mà bỏ quên đi thị trường màu mỡ trong nước. Các doanh nghiệp nước ngoài đã nhìn thấy cơ hội vàng này và khai thác hộ, lấn át đi các sản phẩm chè Việt Nam ở phân khúc cao cấp.

Thị trường xuất khẩu trà Việt Nam

Trà Việt Nam đã xuất khẩu quy mô từ thời Pháp thuộc. Từ đó đến nay, thị trường trà đã được mở rộng và xuất khẩu đến hơn 45 quốc gia trên thế giới. Mặc dù vậy, ngành xuất khẩu trà vẫn tập trung vào những thị trường lớn và có tiềm năng như: Trung Quốc, Pakistan, Indonesia, Nga và Mỹ.

Các hoạt động về xuất khẩu trà được thực hiện qua ba kênh chính: 

  • Doanh nghiệp Nhà nước (được thực hiện chủ yếu thông qua Tổng Công Ty Chè Việt nam – Vinatea)
  • Các công ty liên doanh
  • Các công ty nước ngoài và công ty tư nhân

Ước tính hiện nay có khoảng 30% sản lượng trà xuất khẩu gián tiếp, còn lại là xuất khẩu trực tiếp. Theo thống kê của Cục Hải quan, xuất khẩu trà năm 2020 đạt 134.964 tấn, trị giá 217.7 triệu USD, giảm 6.2% so với 2019.

Thưởng thức tách trà Việt Nam

Cùng nhìn lại hành trình bạn đã đi với Hiên Cúc Vàng, có lẽ bạn cũng đã hiểu sâu hơn về nguồn gốc, lịch sử cũng như những nét đặc biệt khác bên cạnh trà Việt Nam.

Hy vọng bạn đã nhận được những kiến thức bổ ích từ Hiên Cúc Vàng. Nếu thấy hứng thú về trà Việt Nam, ngại gì không đăng ký tham gia cộng đồng Hiên Cúc Vàng ngay?

Hiên Cúc Vàng

Hiên Cúc Vàng là website chia sẻ thông tin về trà lớn nhất hiện nay. Thông điệp chúng tôi muốn truyền tải đến bạn đọc chính là: "GIỜ LÀ LÚC SỐNG GIẤC MƠ ĐỜI TA!" Hãy sống chậm lại, nghĩ về giấc mơ đời mình và nhâm nhi tách trà hôm nay, bạn nhé!

Subscribe
Notify of
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
Bài viết cùng chủ đề
Không chỉ vậy, có những nhầm lẫn tai hại về trà atiso mà bạn cần hiểu rõ, từ đó dùng trà atiso hiệu quả hơn.
5 phút để đọc
Cùng với Hiên Cúc Vàng, bạn sẽ bắt đầu tìm hiểu rõ hơn về nguồn gốc, lịch sử, vùng trồng và nhiều điều chưa biết về các loại trà Việt Nam.
7 phút để đọc
Liệu bạn có hiểu rõ về trà xanh Thái Nguyên - thức trà nổi tiếng của Việt Nam? Hãy để bài viết này đem trà Thái Nguyên đến gần với bạn.
5 phút để đọc
Bài viết cung cấp kiến thức cần biết về nguồn gốc, dinh dưỡng, công dụng và cách dùng trà sữa trân châu - thức uống được giới trẻ ưa chuộng.
7 phút để đọc
Không phải tất cả trà thảo mộc đều có công dụng như nhau. Những thức trà thảo mộc phổ biến cũng sẽ được phân tích trong bài viết.
5 phút để đọc
Trà hoa cúc là một loại trà bổ dưỡng. Tuy nhiên, những thắc mắc xoay quanh loại trà này khiến nhiều người chần chừ trong việc sử dụng.
3 phút để đọc