Trà bạc hà là một trong những loại trà có hương vị thơm mát và không chứa caffeine.
Nếu bạn đang tìm kiếm một loại trà giúp tỉnh táo, sở hữu đầy đủ lợi ích như nhiều loại trà khác nhưng không gây khó ngủ thì hãy thử ngay trà bạc hà.
Thế nhưng, uống trà bạc hà không phải là không mang lại tác dụng phụ. Vậy uống thế nào mới là đúng cách? Hãy cùng Hiên Cúc Vàng tìm hiểu!
Nguồn gốc và thành phần dinh dưỡng của lá bạc hà
Lá bạc hà là lá của cây thân thảo bạc hà, màu xanh và có hình bầu dục. Chúng có cuống ngân, mọc đối xứng. Mép lá có khía răng cưa nhọn và trên thân lá có lông nhỏ.
Trong tài liệu y học, bạc hà còn được gọi bằng nhiều tên khác như liên tiền thảo, kim tiền bạc hà, bạt đài,…
Tại Việt Nam, cây bạc hà thường được trồng chủ yếu tại những tỉnh như Nghệ An, Lai Châu và Lào Cai.
Lá bạc hà mang vị the mát, đem lại cảm giác sảng khoái và nhiều tác dụng tích cực cho sức khỏe.
Vì thế, chúng thường được sử dụng phổ biến trong các loại kem đánh răng, nước súc miệng, mỹ phẩm và nhiều loại thuốc khác.
Ngoài ra, lá bạc hà cũng xuất hiện nhiều trong ngành thực phẩm như nấu ăn hoặc phơi khô làm trà.
Thông thường, người ta chọn lá họ spearmint để làm trà bạc hà. Tuy có ít tinh dầu bạc hà hơn các họ khác, nhưng chúng lại giàu chất cineol, limonene, dihydrocarvone và sở hữu vị ngọt dễ chịu.
Trong lá bạc hà, bạn có thể tìm thấy những thành phần như Vitamin A, C, D, B6,… Ngoài ra còn có magie, protein, sodium, sắt, đồng, kali và nhiều hợp chất quan trọng khác.
Nhờ vậy, chúng có nhiều tác dụng dược lý tốt cho cơ thể con người. Đặc biệt, lá bạc hà không hề chứa cholesterol nên được nhiều người quan tâm đến sức khỏe ưa chuộng.
Trà bồ công anh cũng là một loại trà có thành phần dinh dưỡng đa dạng không kém dành cho những ai quan tâm đến sức khỏe, mời bạn xem ngay:
>>> Trà bồ công anh: Món quà ẩn giấu từ thiên nhiên <<<
Những lợi ích khi uống trà bạc hà
Nhờ những thành phần dinh dưỡng trong lá bạc hà, trà bạc hà cung cấp rất nhiều lợi ích khi sử dụng.
Trà bạc hà trị ho
Nhờ đặc tính kháng khuẩn, sát khuẩn của lá bạc hà, trà bạc hà có khả năng trị ho và làm dịu cơn đau họng. Nếu cảm thấy rát cổ hoặc khó chịu đường thở, một tách trà bạc hà chắc chắn sẽ khiến bạn dễ chịu.
Chữa bệnh hôi miệng
Chẳng phải tự nhiên mà bạc hà là thành phần chính trong nhiều loại kem đánh răng và nước súc miệng. Chúng có khả năng mang lại cảm giác sạch sẽ, the mát và đẩy lùi những mùi hôi sau khi ăn.
Một ly trà bạc hà sau mỗi bữa ăn hoặc khi vừa thức giấc chắc chắn sẽ giúp bạn tự tin hơn khi giao tiếp với người khác.
Cân bằng hormone, giảm stress bằng trà bạc hà
Bạc hà nổi tiếng là liệu pháp mùi hương để giảm căng thẳng và điều chỉnh tâm trạng. Nhờ sở hữu chất an thần tự nhiên trong thành phần, chúng giúp cơ thể bạn thoải mái hơn mà không cần phải sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
Vì vậy, bạn có thể sử dụng trà bạc hà để thư giãn vào bất kỳ khoảng thời gian nào trong ngày mà không cần lo caffeine gây mất ngủ.
Tuy nhiên, bạn nên nhớ chỉ có trà bạc hà tươi và khô thì mới không chứa chất kích thích. Còn trà túi lọc hương bạc hà đã được pha trộn vẫn khiến bạn tỉnh táo như thường.
Cải thiện trí nhớ, tăng khả năng tập trung
Mùi hương tươi mát của trà bạc hà sẽ kích thích vùng hồi hải mã. Đây là một bộ phận trong não bộ con người, có chức năng hình thành, tổ chức và lưu trữ ký ức.
Uống trà bạc hà giúp bạn tăng cường trí nhớ và tập trung mà không cần sử dụng các chất kích thích như nước tăng lực, cà phê hoặc các loại trà khác.
Lợi ích này cũng đã được công bố trong một nghiên cứu của tạp chí Journal of Neuroscience.
Ngăn nhiễm nấm trong đường ruột
Tình trạng nhiễm các loại nấm và ký sinh trùng trong đường ruột người rất phổ biến. Nhờ tính chất kháng khuẩn mạnh, trà bạc hà là một cách rất hiệu quả để loại bỏ chúng khỏi cơ thể bạn.
Giảm viêm khớp
Bạc hà sở hữu hàm lượng menthol cao, tạo sự mát mẻ và làm dịu cảm giác đau của cơ thể. Đặc biệt, chúng có khả năng giảm các chứng viêm khớp và vết sưng tấy.
Trà bạc hà giúp giảm chứng buồn nôn, đau bụng
Bên cạnh đó, trà bạc hà còn được sử dụng phổ biến như một giải pháp tự nhiên để điều trị đau bụng và buồn nôn.
Bởi lẽ, tinh dầu bạc hà có khả năng làm giảm đau và thư giãn các cơ ở hệ tiêu hóa nên trà bạc hà cũng có tác dụng tương tự này.
Cách pha trà bạc hà
Thông thường, trà bạc hà được đóng gói theo 3 hình thức khác nhau: trà túi lọc, lá bạc hà khô hoặc lá tươi. Trong bài viết này, Hiên Cúc Vàng sẽ hướng dẫn cho bạn cả 3 cách pha trà bạc hà thơm ngon, the mát.
Công thức pha trà đối với lá bạc hà tươi
Nguyên liệu
- 400ml nước sạch
- 15 lá bạc hà tươi
- Ấm pha có lưới lọc bã trà
- Ly, tách dùng để uống trà
Cách pha trà bạc hà chuẩn vị
- Bước 1: Rửa sạch lá bạc hà và nấu nước sôi.
- Bước 2: Chờ 4 – 5 phút cho nước sôi nguội bớt rồi mới đổ vào ấm trà. Bởi lẽ, trà bạc hà là loại trà thuộc dòng trà thảo mộc, nên dùng nước ấm sẽ có mùi thơm hơn nước nóng.
- Bước 3: Sau đó, bạn đậy nắp bình lại để ủ từ 5 – 7 phút. Trà bạc hà được ủ càng lâu, nước trà sẽ càng đậm đà.
Công thức pha trà đối với lá bạc hà khô
Nguyên liệu
- 1 thìa cà phê lá bạc hà khô (3 – 5 gram)
- 200ml nước sôi 90 độ trở lên
- Bình pha trà
- Ly, tách uống trà theo ý thích
Cách pha
- Bước 1: Bạn tráng bình và lá khô bằng nước sôi từ 30 giây – 1 phút rồi đổ nước đi để trà đỡ bị đắng.
- Bước 2: Rót 200ml nước sôi vào để ủ trà.
- Bước 3: Cho ra ly để thưởng thức.
Ngoài ra, nếu muốn uống lạnh, bạn có thể lọc phần xác trà đi bằng rây, lưới, chỉ để lại phần nước. Sau đó, bạn thêm đá vào hoặc đặt trà vào tủ lạnh khoảng 1 – 2 tiếng.
Lưu ý: Nếu thêm đá thì bạn nên thay đổi tỉ lệ nguyên liệu là 5 – 7 gram lá bạc hà khô/200ml nước sôi để trà không bị loãng.
Công thức pha trà đối với trà bạc hà túi lọc
Nếu quá bận rộn để bảo quản, xử lý trà bạc hà nguyên lá thì bạn cũng có thể chọn trà bạc hà túi lọc.
Tuy nhiên, bạn nên lưu ý rằng trà bạc hà túi lọc chưa hẳn là bạc hà nguyên chất mà còn có thể được trộn với nhiều loại thảo mộc khác. Điều này nhằm tạo ra sự phong phú trong mùi vị và tăng cường tác dụng đối với sức khỏe.
Vì vậy, trà bạc hà túi lọc thường được ghi bên ngoài bao bì là trà túi lọc hương bạc hà (có chứa caffeine, gây khó ngủ).
Nguyên liệu
- 1 gói trà bạc hà túi lọc
- Nước sạch
- Ly, tách dùng uống trà
Cách làm
- Bước 1: Đun nước sôi lên rồi để nguội đến 80 độ C
- Bước 2: Đổ nước đang ấm vào trà túi lọc khoảng 3 – 5 phút và thưởng thức
Bên cạnh đó, nhiều người cũng khuyên rằng, nếu muốn uống trà bạc hà ngon hơn thì có thể kết hợp cùng cỏ ngọt, đường phèn, mật ong, chanh hoặc hoa cúc.
Khám phá thêm nhiều công thức trà bạc hà hơn nữa tại đây:
>>> Top 3 công thức trà bạc hà thơm mát <<<
Trà bạc hà – Lắm lợi ích, nhiều tác dụng phụ
Tuy mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng nếu uống trà bạc hà không đúng cách, bạn sẽ chịu những ảnh hưởng tiêu cực. Do đó, Hiên Cúc Vàng gợi ý rằng trước khi chọn mua và uống trà bạc hà, bạn nên nắm những tác dụng phụ sau:
- Cân nhắc việc sử dụng bạc hà khi uống một số loại thuốc: Không nhiều người biết rằng bạc hà có tương tác với một số loại thuốc như: thuốc kháng acid, Lansoprazole Omeprazole,… Ngoài ra còn có thuốc cho người đái tháo đường và người bệnh dạ dày. Vì vậy, nếu muốn uống trà bạc hà trong thời gian trị bệnh, bạn nên hỏi ý bác sĩ, dược sĩ của mình để được tư vấn kỹ hơn.
- Không lạm dụng trà bạc hà: Mỗi ngày, một người chỉ được phép sử dụng tối đa 0,4 ml tinh dầu bạc hà. Nếu uống trà bạc hà quá nhiều, bạn có thể bị tăng nguy cơ co giật.
- Rối loạn dạ dày: Đây là một trong những tác dụng phụ phổ biến của trà bạc hà, nhất là đối với những người có dạ dày yếu nhưng lại uống quá nhiều trà. Lúc này, họ sẽ có thể bị tiêu chảy, đau cơ và co thắt dạ dày.
Trong trường hợp lần đầu tiên uống trà bạc hà nhưng lại gặp tác dụng phụ (dị ứng, run rẩy,…), bạn nên ngừng ngay lập tức.
Những ai nên tránh uống trà bạc hà?
Thật ra, dù là dược thảo phổ biến nhưng không phải ai cũng uống được trà bạc hà. Bởi ngoài những tác dụng phụ trên, loại trà này còn gây hại cho một số đối tượng khác bao gồm:
Phụ nữ mang thai
Đây là một trong những đối tượng cần cân nhắc nhất về vấn đề ăn uống. Nhiều người cho rằng tất cả trà đều tốt như nhau nên cứ vô tư uống mà không cần hỏi ý bác sĩ.
Nếu người xung quanh hoặc chính bản thân bạn cũng có suy nghĩ như vậy thì nên bỏ ngay lập tức. Bởi lẽ, nếu bà bầu dùng quá nhiều trà thì sẽ gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến thai nhi. Nếu từng bị sảy thai, bạn càng nên tránh uống trà bạc hà.
Bên cạnh đó, dầu bạc hà truyền từ sữa mẹ sang con có thể gây khó thở cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do chúng chưa quen với vị the mát. Bạn nên hạn chế sử dụng các thực phẩm có chứa bạc hà trong thời gian này.
Người bệnh trào ngược axit dạ dày
Trà bạc hà chứa những thành phần khiến các cơ ở thực quản giãn ra. Lúc này, chúng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho acid dạ dày và mật chảy ngược về phía thực quản, làm bệnh tình tồi tệ hơn.
Do đó, nếu có bệnh trào ngược acid, bạn không nên uống trà bạc hà để tránh các triệu chứng khó tiêu, ợ nóng tăng thêm.
Người bị hen suyễn
Một trong những điều trà bạc hà bị hiểu lầm nhất chính là có khả năng làm giảm hen suyễn vì tạo cảm giác the mát, làm thông đường thở. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng chúng chỉ khiến triệu chứng của người bệnh hen suyễn nghiêm trọng hơn.
Quả thật, trà bạc hà đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe con người nhưng đồng thời ta cũng nên chú ý đến tác dụng phụ. Tốt nhất là trước khi quyết định uống trà bạc hà, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc người có chuyên môn.
Bài viết trên đã được Hiên Cúc Vàng tổng hợp đầy đủ thông tin chi tiết cho bạn về loại trà này. Mỗi tối, bạn hãy thử uống một tách trà bạc hà để vừa nhận được nhiều công dụng, vừa có giấc ngủ ngon hơn.
Nếu vẫn còn câu hỏi cần giải đáp hoặc kiến thức muốn chia sẻ, bạn hãy tham gia cộng đồng của Hiên Cúc Vàng để gặp được người yêu trà nói chung và trà bạc hà nói riêng nhé.
Tham khảo thêm các bài viết thú vị khác về trà cùng Hiên Cúc Vàng:
Cốc trà đá vẫn ẩn chứa 9 bí mật hay ho mà bạn chưa biết
Trà bí đao: Hương vị tươi mát mùa nóng bức
Earl Grey – Vị thơm trà Bá Tước kiêu kỳ và trầm lắng
7 điều nên biết khi uống trà hoa nhài
Trà dâu tây: Hương vị độc đáo bạn nên thử
Các nguồn tham khảo: